Hành trình thế kỷ
Năm 2024, Đắk Lắk tròn 120 năm thành lập và phát triển. Một hành trình thế kỷ với biết bao máu xương đồng bào các dân tộc nơi đây cùng quân dân cả nước đã cống hiến, hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập; biết bao mồ hôi, tâm sức và trí tuệ để xây dáng tạc hình một vùng đất bazan Đắk Lắk hôm nay trù phú, nhiều hấp lực.
Vùng đất cổ Đắk Lắk có dấu ấn của con người từ Thời đại đồ đá cũ, cách ngày nay hàng vạn năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày 22/11/1904, trước phong trào đấu tranh bền bỉ và quyết liệt của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sức ép của triều đình nhà Nguyễn, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Nghị định này đánh dấu mốc Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc.
Trong cuộc trường chinh đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giai đoạn trước năm 1940, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk ghi vào sử danh với các cuộc khởi nghĩa do N’Trang Gưh, Ama Jhao, Ôi H’Mai và MaDla, N’Trang Lơng lãnh đạo.
Ngày 23/11/1940, trước yêu cầu mới của cách mạng, một số tù nhân tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản - chi bộ đầu tiên ra đời tại tỉnh Đắk Lắk. Tinh thần của các chiến sĩ cộng sản càng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, đấu tranh của nhân dân, sức ảnh hưởng của Chi bộ ngày càng mở rộng, nhiều cơ sở cách mạng được gây dựng.
Sau khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk chỉ có một trăm ngày hoà bình để xây dựng chế độ mới, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài và đóng góp vẻ vang vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đắk Lắk là địa bàn trọng điểm đế quốc Mỹ thực thi các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, xây dựng căn cứ quân sự lớn ở Buôn Ma Thuột... Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đã đoàn kết, đấu tranh, đẩy địch vào thế bị động đối phó, làm phá sản một bước quan trọng âm mưu tiêu diệt lực lượng và phong trào cách mạng miền Nam của đế quốc Mỹ và tay sai.
Đặc biệt, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) soát xét tình hình địch, ta ở miền Nam, một quyết định có ý nghĩa lịch sử đó là chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên. Cùng với sự chi viện của Trung ương, Tỉnh ủy Đắk Lắk và thị xã Buôn Ma Thuột nhất tề đấu tranh với khẩu hiệu hành động: “Tất cả cho phía trước, tất cả để giành thắng lợi”. Khúc hoan ca giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 và giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk ngày 24/3/1975 mãi mãi là những mốc son ngời sáng.
Sau 49 năm thống nhất đất nước, gần 40 tiến hành công cuộc đổi mới, 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã viết tiếp những trang sử mới trên các mặt trận kiến thiết, dựng xây quê hương. Điểm sáng nổi bật là bức tranh ngành nông nghiệp được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chuyên canh, quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015 - 2024 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân tăng 5,11%/năm. Ngành công nghiệp trên địa bàn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Giai đoạn 2015 - 2024, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân tăng 8,83%/năm. Đắk Lắk vang danh trên bản đồ nông sản Việt Nam và thế giới.
Diện mạo một Đắk Lắk bản sắc và hiện đại được định hình với cái nôi văn hóa hội tụ đa dạng các vùng miền; kết cấu hạ tầng, các đô thị được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và hệ thống các quốc lộ 14, 26, 27, 29 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước; hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, với 100% xã đã có đường nhựa đến trung tâm. Đặc biệt, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được tích cực triển khai, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thế và lực của hành trình 120 năm thành lập và phát triển thêm động lực để Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk tiếp tục đồng lòng, quyết tâm thực hiện hóa khát vọng xây dựng, phát triển Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bứt phá, với đích ngắm đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, thuộc nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước vào năm 2050.
Trích nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử